Răng nhựa kháng khuẩn in 3D. Ảnh: Sciencalert |
Loại nhựa được sử dụng có thành phần muối amoni bậc 4, tích điện dương. Màng tế bào vi khuẩn tích điện âm khi tiếp xúc với nó sẽ bị phá hủy.
"Loại vật liệu này có thể diệt khuẩn theo cách tiếp xúc, nhưng đồng thời nó cũng vô hại với các tế bào người", Andreas Herrmann, một thành viên của nhóm nghiên cứu, Đại học Groningen trao đổi với New Scientist.
Thêm các phụ gia vào vật liệu polymer cơ bản đang là thách thức với công nghệ in 3D. Thành công của các nhà khoa học Hà Lan trong việc sử dụng các muối kháng khuẩn sẽ tạo ra lợi ích rất lớn cho ngành y tế, thậm chí có thể mở rộng sang các ngành ứng dụng khác.
"Chúng tôi đã có được nguyên mẫu sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng sau này. Ứng dụng không chỉ trong nha khoa mà trong cả các lĩnh vực khác như chế tạo các miếng đệm và các bộ phận bằng nhựa trong chỉnh hình hông và đầu gối, hoặc các lĩnh vực ngoài y tế như túi đựng thực phẩm, làm sạch nước, thậm chí cả đồ chơi trẻ em", các nhà nghiên cứu cho biết.
Để thử nghiệm tính hiệu quả của nhựa kháng khuẩn, các mẫu nhựa được phủ trong hỗn hợp nước bọt và vi khuẩn Streptococcus mutans, nguyên nhân chính gây sâu răng. Kết quả cho thấy tới 99% vi khuẩn bị tiêu diệt, trong khi nếu không có nhựa, 99% vi khuẩn còn tồn tại.
"Chúng tôi vẫn cần phải tiếp tục mở rộng nghiên cứu này về khả năng tương thích với kem đánh răng", Herrmann cho biết. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu rất tự tin về triển vọng ứng dụng nó trong cấy ghép nha khoa tương lai. "Đây là một sản phẩm y học với các ứng dụng có thể thấy được trong tương lai gần, tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc phát triển một loại thuốc mới".
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Advanced Functional Materials hôm 9/10.
Nguyễn Thành Minh
No comments:
Post a Comment