Sự việc một cậu bé 16 tuổi tự tử sau khi chứng kiến bố mẹ cãi, đánh nhau có thể là bài học đắt giá cho nhiều phụ huynh.
Câu chuyện đau lòng trên xảy ra tại Đắc Lắc vài ngày trước. Sau khi thấy bố mẹ cãi vã, đánh nhau rồi mẹ bỏ đi, cậu con trai 16 tuổi buồn bã, mặc cảm nên đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và rơi vào tình trạng nguy kịch.
Nhà tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý NT cho biết, trong gần 20 năm trong nghề, ông đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ rối nhiễu tâm lý do các vấn đề từ xung đột của bố mẹ. "Trong nghề, chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, không có đứa trẻ bất thường (về tâm lý) trong các gia đình bình thường", ông nói.
Bản thân ông đang phải giải quyết một điển hình cho trường hợp này. Một cặp vợ chồng đã cầu cứu nhà tâm lý vì cậu con trai học 20 tuổi, học hành giỏi giang, bỗng nhiên nằng nặc đòi vào chùa đi tu. Khi trò chuyện với chuyên gia thì chàng trai trẻ này chia sẻ, từ nhiều năm nay, em đã luôn thấy buồn chán, thậm chí có lúc không thiết sống khi chứng kiến bố mẹ xung đột, sống giả dối. "Bố cháu làm to, nhiều tiền nhưng làm những việc không minh bạch. Bố và cả ông bà nội còn không coi mẹ cháu ra gì, thường xuyên sỉ vả... Cháu không tha thiết gì ở cuộc sống này nữa. Cháu muốn đi tu để chuộc lại lỗi lầm cho bố mẹ", cậu nói.
Trường hợp khác, một cậu bé tuổi teen thì chia sẻ: "Có nhiều lúc cháu ước thà không có cha thì tốt hơn. Cứ mỗi khi đi học về, đã mệt mỏi lại thấy bố mẹ cãi nhau, chỉ muốn bỏ nhà đi luôn, chán nản vô cùng".
Ngay cả nhiều người khi đã trưởng thành vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại những cuộc chiến của bố mẹ. "Tôi đã 25 tuổi nhưng trong những giấc mơ vẫn hiện về những trận cãi nhau của bố mẹ. Và tôi cảm giác đó như một cơn ác mộng. Tôi thậm chí còn sợ hôn nhân", một lập trình viên ở Cầu Giấy, Hà Nội, nói.
Ảnh minh họa: Thestar. |
Theo nhà tâm lý Phạm Đức Chuẩn, thực tế, vợ chồng nào cũng có mâu thuẫn nhưng cách họ giải quyết vấn đề và ứng xử với con sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới đứa trẻ. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ cũng chịu tác động khác nhau. Lúc nhỏ, trẻ có thể lo lắng, sợ hãi, trở nên khép kín... Nhưng đáng lo nhất chính là trẻ ở tuổi vị thành niên vì dễ dẫn tới những hành động bốc đồng, khó lường.
"Trẻ tuổi teen có sự phát triển nhanh về thể chất nhưng thần kinh không cân bằng. Các em muốn khẳng định bản thân nhưng lại chưa có đủ hiểu biết và kinh nghiệm sống. Tâm tư trẻ có nhiều xáo động... Thời điểm này, trẻ rất cần được sự chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ của cha mẹ. Thế nhưng, trong các gia đình triền miên đấu khẩu, thì trẻ dễ rơi vào cảm giác cô đơn, chán nản, thậm chí còn thấy mình phải đóng vai người hòa giải, 'cứu rỗi' bố mẹ... Cứ như vậy trẻ sẽ thấy hụt hơi, bế tắc", nhà tâm lý phân tích.
Ông Chuẩn cho rằng, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực này, chẳng có cách nào khác là bố mẹ phải giảm thiểu xung đột, mà để làm việc đó, cần bắt đầu từ lúc lựa chọn bạn đời chứ không phải tới khi có con mới tính. Thế nhưng, việc này ít ai nghĩ đến nên khi đã kết hôn với người "dễ khiến mình phát điên" thì cả hai cần học kỹ năng giải quyết xung đột tích cực để nó ít tác động xấu tới con nhất.
Theo ông, tốt nhất, khi có mâu thuẫn, vợ chồng cần ngồi lại với nhau, thẳng thắn nhưng thiện chí, để bàn bạc, tìm giải pháp. Với những gì không thể thay đổi, cần học cách chấp nhận. Nếu ai cũng muốn giành phần thắng trong cuộc chiến vợ chồng thì người thiệt nhất là con. Tuy nhiên, cũng không nên "diễn", giả vờ tình cảm trước mặt con hoặc cố nín nhịn dù rất ấm ức bởi trẻ con rất nhạy cảm, sẽ nhanh chóng nhận ra, chưa kể "quả bom" bị đè nén chắc chắn có lúc bùng nổ.
Nếu bố mẹ có lỡ cãi nhau trước mặt con, sau đó nên giải thích cho trẻ, tùy vào lứa tuổi nhưng để con hiểu: Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm ấm, vợ chồng có lúc yêu thương nhưng cũng có khi bất đồng, tranh cãi... Cách này vừa để trẻ thấy chúng được tôn trọng, vừa hiểu chuyện bố mẹ tranh luận là bình thường đồng thời dần dần chuẩn bị tâm thế cho con khi nhìn nhận về hôn nhân và lựa chọn bạn đời sau này.
Từng trải qua giai đoạn khủng hoảng hôn nhân và phải tìm mọi cách để giữ sự bình yên cho con khi bố mẹ mâu thuẫn, thậm chí ly hôn, chị Ngọc Bích (quận 3, TP HCM) cũng cho rằng, chính cách ứng xử của người lớn chứ không phải mức độ xung đột giữa họ, gây ảnh hưởng tới con cái.
Chị Bích kể, mấy năm trước, khi con gái 6 tuổi, chồng chị cặp bồ và anh chị xảy ra những rạn vỡ khó hàn gắn. Chị đã cố gắng tìm hiểu tâm lý con và chuẩn bị sẵn mọi thứ để bé ít bị va đập nhất.
"Sau mỗi lần vợ chồng cự cãi, tôi giải thích với con: 'Bố mẹ cũng như con và bạn, có thể hôm qua thân thiết, vui vẻ nhưng hôm nay lại có điều không vừa lòng và cãi nhau'. Tôi cũng nói với cháu rằng, khi hai người cự cãi thì không phải do lỗi của một người mà là cả hai", chị Bích kể lại.
Khi quyết định ly dị chồng, chị Bích cũng nói rõ lý do cho con biết. Ngoài ra, biết điều lo lắng nhất của con là sợ bị bỏ rơi, sợ bố mẹ bỏ nhau thì không ai nuôi mình, chị nói với bé rằng mẹ sẽ ở bên và nuôi con khôn lớn. Chị cũng dặn tất cả người nhà không ai được nói bất cứ điều gì về chuyện ly tán của bố mẹ hay tỏ ra thương hại cho bé vì bố mẹ bỏ nhau. Mọi thông tin bé nhận được đều trực tiếp từ mẹ. Nhờ những việc đó, sau sóng gió hôn nhân của bố mẹ, con gái chị vẫn phát triển tâm lý bình thường, học giỏi, độc lập, tự tin và lạc quan, yêu đời.
Vương Linh
No comments:
Post a Comment