Thiết kế tượng thần Mặt Trời hiện đại. Ảnh: Colossus of Rhodes Project. |
Theo Ancient Origins, tượng thần Mặt Trời ở Rhodes là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Đúc từ đồng với chiều cao 40 m, bức tượng được xây để cảm tạ các vị thần đã giúp người dân đảo Rhodes chiến thắng quân xâm lược.
Năm 357 trước Công nguyên, đảo Rhodes của Hy Lạp bị Mausolus xứ Halicarnassus chinh phục, sau đó rơi vào tay người Persia năm 340 trước Công nguyên và cuối cùng thuộc quyền cai trị của Alexander Đại đế từ năm 332 trước Công nguyên. Vào cuối thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Rhodes liên minh với Ptolemy I của Ai Cập để chống lại kẻ thù chung là Antigonus I Monophthalmus xứ Macedonia.
Năm 305 trước Công nguyên, Antigonus sai con trai Demetrius đến xâm chiếm và trừng phạt đảo Rhodes vì thành lập liên minh với Ai Cập. Demetrius chỉ huy 40.000 lính tấn công hòn đảo nhưng sau đó tàu chở quân tiếp viện của Ptolemy đến nơi vào năm 304 trước Công nguyên. Đội quân của Demetrius buộc phải tháo chạy, bỏ lại phần lớn trang thiết bị vây hãm.
Để kỷ niệm chiến thắng, những người dân trên đảo bán các trang thiết bị và sử dụng tiền thu được để xây một bức tượng khổng lồ tôn vinh vị thần bảo hộ đảo Helios, đặt tên là tượng thần Mặt Trời (Colossus of Rhodes). Bức tượng thần được chế tác bằng đồng đun chảy từ vũ khí của quân xâm lược.
Bức tượng mới chỉ tồn tại 56 năm trước khi trận động đất năm 226 trước Công nguyên xảy ra, phá hủy phần lớn thành phố trên đảo, đồng thời khiến bức tượng sụp đổ và chia thành nhiều mảnh. Phần tượng đổ nát giữ nguyên hiện trạng trong 900 năm cho đến khi quân Arab xâm chiếm đảo Rhodes năm 654 trước Công nguyên. Những phần còn lại từ bức tượng được đun chảy để đúc tiền xu, công cụ và vũ khí.
Nhóm chuyên gia gồm các kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, chuyên viên quan hệ công chúng, kỹ sư dân sự và nhà kinh tế học đến từ nhiều quốc gia đã lên kế hoạch hồi sinh bức tượng thần Mặt Trời ra đời cách đây 2.200 năm. Bức tượng hiện đại sẽ có chiều cao 150 m và phủ những tấm pin mặt trời ở bề mặt. Một trong những điểm nhấn của công trình là bảo tàng trưng bày hàng nghìn đồ tạo tác cổ đại ở chân tượng.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment