Nhập viện nửa tháng vẫn… bất tỉnh
Tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, hiện tại có rất nhiều bệnh nhân đang được điều trị vì sốt xuất xuất. Trong đó, không ít bệnh nhân bị biến chứng nặng, được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Chị Đỗ Thị Minh Thư (SN 1987, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) nhập viện gần nửa tháng nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch, chưa tỉnh, thở bằng máy…
Anh Ngô Vĩnh (chồng chị Thư) cho biết, hai vợ chồng cưới nhau, khó khăn lắm vợ mới mang thai. Thai kì đến tháng 37, cả hai bên gia đình nội ngoại đều mong chờ đứa trẻ ra đời. Ngày 18/10, chị Thư cảm giác mệt mỏi, sốt nặng, khó thở. Anh Vĩnh vội đưa vợ đến bệnh viện huyện Mộ Đức. Bác sĩ nhận định, chị bị sốt xuất huyết Dangue và có biến chứng nghiêm trọng, đồng thời đang mang thai nên cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Hôm sau, chị Thư nhập viện Đa khoa Quảng Ngãi. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh tình của chị đang nguy hiểm, mặc dù còn hai tháng nữa mới đến ngày sinh nhưng để bảo vệ tính mạng cho cả mẹ và con nên phải mổ lấy con gấp. Bé gái ra đời 3 kg phải cách ly mẹ. Sau đó, chị hôn mê, nhịp tim giảm. Bệnh viện yêu cầu chị chuyển ra bệnh viện Đà Nẵng.
Chị Thư đang được điều trị tại bệnh viện |
Chị Thư bị suy hô hấp, trụy mạch, suy đa tạng nên phải được điều trị thông khí nhân tạo, lọc máu liên tục, truyền tiểu cầu máu. Đến nay, chị đã được lọc máu 3 lần, mỗi lần chi phí từ 18 đến 20 triệu đồng. Bác sĩ cho hay, bệnh viện sẽ cố gắng cứu giúp. Tuy nhân, người thân cũng phải chuẩn bị tinh thần nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. “Chúng tôi phải cầu cứu đến rất nhiều bạn bè, người thân lẫn người không thân để xin máu truyền cho Thư. Chúng tôi chỉ hy vọng, cô ấy được sống. Con tôi và mẹ chưa được nhìn thấy mặt nhau một lần”, người chồng rơm rớm nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1995, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng bị sốt xuất huyết Dangue trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Anh Nguyễn Duy Linh (người yêu chị Hiền) chia sẻ, chị là đứa con duy nhất và chỉ có mẹ chứ không có bố. Học trung cấp du lịch ngành nghiệp vụ nhà hàng, do không xin được việc, chị đành xin vào làm công nhân ở xí nghiệp may Hòa Thọ được hai tháng. Cách đây gần một tháng, chị bất ngờ bị sốt xuất huyết. Mẹ chị cũng nhiễm căn bệnh này.
Chị được chuyển từ bệnh viện đa khoa Quảng Nam ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng điều trị. Do bệnh tình quá nặng, chị phải thở máy, huyết áp lệ thuộc vận mạch, tình trạng suy đa tạng nặng. Chị được lọc máu liên tục mới có cơ hội thoát “cửa tử”. “Hai bên gia đình có ý định đến cuối năm nay sẽ tổ chức đám cưới. Không thể ngờ, bây giờ, cô ấy lại bị bệnh nặng như thế. Tôi chỉ hy vọng, vợ tương lai qua được nguy hiểm”.
Bác sĩ Võ Duy Trinh (Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc) cho biết, hiện tại, có nhiều bệnh nhân nhiễm sốt suất xuất đang được điều trị do bị biến chứng nặng. Một số bệnh nhân, trong đó, có chị Thư và chị Hiền nhập viện trong giai đoạn nguy hiểm, rơi vào tình trạng trụy mạch, suy đa tạng, suy hô hấp. Để cứu sống tính mạng bệnh nhân, bác sĩ cho thông khí nhân tạo, lọc máu và truyền tiểu cầu máy. Tình trạng của cả hai bệnh nhân này tiên lượng còn rất nặng nề.
Riêng trường hợp của chị Thư, do vừa mới sinh mổ, sức khỏe còn yếu lại bị bệnh nên rất nguy hiểm. Thời gian qua, chị luôn được chăm sóc, theo dõi đặc biệt 24/24, để lỡ có chuyện gì bác sĩ có thể “trở tay” kịp. Nếu chị được cứu sống thì sức khỏe trong tương lai cũng bị giảm sút.
Lý giải người mắc bệnh tăng cao
Trong khoảng thời gian này, các tỉnh miền trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… số lượng người nhập viện vì sốt xuất huyết tăng theo từng ngày. Ông Tôn Thất Thạnh(Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) cho biết, đến ngày 2/11, toàn thành phố có tổng cộng 676 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, quận Liên Chiểu có 196 trường hợp, quận Sơn Trà có 119 trường. Hai quận này đứng đầu bảng có nhiều người nhiễm nhất. Sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới.
Bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng) cho hay, đối tượng mắc sốt xuất huyết cao nhất là học sinh, sinh viên. Bởi, đối tượng này sống tại nhà trọ hoặc ký túc xá thường không được đảm bảo về vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chỉ số muỗi và bọ gậy tại một số khu vực thuộc các đơn vị quân đội, công an, bộ đội biên phòng, khu công nghiệp và dự án đang xây dựng tăng cao. Điều đáng nói, ở những nơi này, ngành y tế không được vào kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Việc phun thuốc diệt muỗi được áp dụng đồng bộ nhiều nơi |
Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, tại tỉnh này, số ca mắc sốt xuất huyết nhiều là học sinh, sinh viên và công nhân. Ở Quảng Nam cũng như Đà Nẵng, mới đây đã có đề nghị các cơ quan quân đội, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… đóng trên địa bàn chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở GD-DT, UBND các quận, huyện để triển khai phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là các công tác giám sát, xử lý môi trường, diệt bọ gậy. Riêng các khu nhà trọ, cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá không đảm bảo quy định vệ sinh môi trường thì có thể cho đóng cửa…
Trong quá trình lấy thông tin viết bài này, người viết phỏng vấn nhiều cơ quan chức năng và đều có cùng câu trả lời, thường xuyên giám sát, cập nhật số ca mắc sốt xuất huyết, thực hiện khoanh vùng, phun hóa chất, dập dịch theo diện rộng đúng chỉ định dịch tễ… Nhiều địa phương tổ chức phong trào phát quang bụi rậm, cây cối, súc rửa chum vại, lu đựng nước, khai thông cống rãnh nhằm triệt xóa nơi ở của lăng quăng, bọ gậy… Đặc biệt, việc truyền thông qua truyền thanh, băng rôn… được chú trọng.
Điều đáng nói, nếu làm tốt như vậy thì ắt hẳn số ca sốt xuất huyết đã giảm chứ không tăng chóng mặt và nhiều nơi ổ bệnh bùng phát trở lại như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hiến (Phó Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng thị xã Điện Bàn) cho biết, đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận hơn 200 ca mắc bệnh. Đặc biệt, tại xã Điện Hòa, ổ dịch đã bùng phát trở lại.
Theo ông, thuốc và máy phun thuốc diệt muỗi phát về đủ nhưng xã này còn thiếu kinh phí thuê nhân công phun thuốc, dập dịch nên khâu xử lý, khống chế có phần chậm. Sau khi ổ dịch tái phát, ông đã yêu cầu dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng. Ông cũng cho rằng, hiện tại, nhiều người dân tại nhiều địa phương vẫn chưa hưởng ứng, ý thức phòng chống dịch chưa cao. Nhiều người trồng cây cảnh, hòn non bộ… lười súc rửa tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển.
Trong khi đó, bà Lê Thị Minh Nguyệt (Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà) kể, có khi, ngày chủ nhật, địa phương cho ra quân tổng vệ sinh và được hưởng ứng rầm rộ. Thế nhưng, hai hôm sau, bà kiểm tra, vẫn nhìn thấy rất nhiều vật dụng là nơi ẩn náu thích hợp của bọ gậy. Theo bà, phong trào chống dịch hiện tại vẫn còn đặt nặng về mặt hình thức. Đây chính là một trong những lý do khiến sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm và khiến các ổ bệnh tái phát trở lại.
Trong khi số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh thì các bệnh dịch khác tại Đà Nẵng cũng đang vào mùa. Ông Tôn Thất Thạnh (Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) cho biết, đến ngày 1/11, đã ghi nhận 1.736 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, Quận Sơn Trà có 321 ca và quận Hải Châu có 300 ca. Đây là hai địa phương có nhiều người mắc tay chân miệng nhất. Số ca thủy đậu ghi nhận là 961 ca.
Huy Cường
No comments:
Post a Comment