Với dự án “Dùng thiết bị sóng não để phát hiện chứng buồn ngủ và cảnh báo người lái xe”, em Đào Việt Tùng đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn đối thủ từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ để giành giải Đặc biệt của Cuộc thi khoa học công nghệ Tsukuba diễn ra vừa qua ở Nhật Bản.
Chân dung chàng trai trẻ 9X - Đào Việt Tùng. |
Lấy ý tưởng từ thực tế cuộc sống
Đào Việt Tùngsinh năm 1998, là du học sinh Việt tại trường Hawaii Preparatory Academy (Mỹ). Dự án của Tùng xuất phát từ việc em nhận thấy có rất nhiều tai nạn xe cộ mà nguyên nhân do những cơn buồn ngủ (chủ yếu gây ra bởi thanh thiếu niên và những người lái xe tải) diễn ra ở hầu hết các nước.
Với thiết bị thông minh này, khi đội lên đầu, nó có thể đọc được sóng não người lái xe. Bằng cách kết hợp với một chiếc smartphone thì khi khi tài xế buồn ngủ, chiếc điện thoại sẽ nhận tín hiệu qua bluetooth rồi rung và đổ chuông cảnh báo nhờ việc lập trình.
Ngoài ra, thiết bị di động này còn có thể tự chơi nhạc giúp cho tài xế tỉnh táo. Sản phẩm cũng có thể kết nối GPSvà đưa ra gợi ý định vị thông tin về quán cafe, nhà nghỉ gần đấy để tài xế có thể nghỉ ngơi, uống cafe, sẵn sàng tiếp tục cho cuộc hành trình.
Tsukuba là cuộc thi ý tưởng, công trình khoa học công nghệ cao thường niên do Ủy ban Kế hoạch Khoa học Nhật Bản tổ chức dành cho học sinh trung học phổ thông trên toàn thế giới. Đặc biệt có sự tham gia của các đối thủ đến từ những cường quốc về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… nên ngay từ đầu Tùng xác định việc có giải sẽ không phải là điều dễ dàng. Nhưng rồi cuối cùng dự án của nam sinh Việt vẫn được ban tổ chức đánh giá là một sản phẩm sáng tạo đặc biệt.
Nói về giải thưởng ấn tượng ngay trên đất Nhật hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tùng không giấu nổi cảm xúc: “Hôm đấy, khi nghe xong ban tổ chức xướng tên các sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì và Ba đều không có tên, mình đã rất buồn. Nhưng sau đó, một câu nói tiếng Nhật dài dằng dặc và bỗng mình nghe thấy rằng họ đang nhắc tới tên trường Hawaii Preparatory Academy, trong vô thức mình đã đứng bật dậy và hỏi chuyện gì xảy ra vậy. Chỉ đến khi đọc được tên dự án trên màn hình mình mới tin đó là sự thật".
Tùng cho rằng sản phẩm của cậu thuyết phục được ban giám khảo chắc bởi tính ứng dụng khá cao.
Nói ra cái khó để được giúp đỡ
Nói về sản phẩm của mình, theo Tùng khâu lập trình khó đã đành nhưng cái thử thách lớn nhất với em là quá trình khảo sát, thử nghiệm. “Mình nghĩ cái thử thách mình nhất là giai đoạn nghiên cứu bởi phải chọn được người để tiến hành thử nghiệm. Và cái khó là liệu họ có sẵn sàng để cho mình thử nghiệm hay không khi phải đeo thiết bị đo sóng não trước khi đi ngủ”, Tùng kể.
Đào Việt Tùng gây ấn tượng tại Tsukuba 2016 với dự án: "Dùng thiết bị sóng não để phát hiện chứng buồn ngủ và cảnh báo người lái xe”. |
Và rồi để hiện thực hóa đam mê, Tùng đã dành nhiều thời gian để làm quen và thuyết phục cánh lái xe. Để có được các số liệu phục vụ thống kê, Tùng đã phải tiến hành nghiên cứu trên 20 người ở Mỹ.
“Công ty Emotiv, 1 trong những công ty hàng đầu về công nghệ sóng não và cũng là công ty sản xuất thiệt bị đo sóng não EPOC+ mà em dùng để nghiên cứu, mới đây đã ra thị trường 1 sản phẩm mới với tên gọi Insight. Thiệt bị này nhỏ gọn hơn nhiều thiết bị em đã dùng để nghiên cứu, và em tin rằng với Insight, người lái xe sẽ cảm thấy thoải mái, tiện lợi hơn khi đeo”, Tùng nói.
Dự án của Tùng hiện đã hoàn tất quá trình nghiên cứu. Trong tương lai, Tùng đang lên kế hoạch sẽ bổ sung thêm những tính năng mới như định vị những quán cafe hoặc chơi những bản nhạc để những người lái xe tỉnh táo hơn.
Sản phẩm của Tùng phát triển qua việc lập trình trên điện thoại. Hiện, Tùng đang tiếp tục lập trình trên hệ điều hành của android, tiếp đến sẽ là trên hệ điều hành IOS cho việc kết nối các dòng Iphone.
Tùng chia sẻ lúc mới đầu bắt tay vào các dự án khoa học công nghệ bản thân cậu cũng vô cùng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, 9X này cho rằng khi gặp khó khăn, thay vì lẩn tránh nếu các bạn trẻ Việt chia sẻ chân thành thì sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bản thân Tùng là một ví dụ khi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ một thầy giáo nơi cậu theo học.
“Trong quá trình nghiên cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những lúc mất phương hướng, tuy nhiên nếu bạn biến nó thành niềm đam mê, giữ vững quyết tâm, tập trung vào mục tiêu thì mình tin chắc các bạn sẽ làm được”, 9X đưa lời khuyên.
Theo Tùng, với sự phát triển và xu hướng hội nhập hiện nay, người trẻ Việt hoàn toàn có cửa cạnh tranh với các bạn trên trường quốc tế và không phải là việc gì đó mà chúng ta không thể.
“Mình thấy nhiều bạn trẻ Việt cũng thích thú và đầu tư vào khoa học công nghệ nhưng thực tế là hiện các trường của chúng ta chưa có nhiều trang thiết bị để học sinh có thể nghiên cứu.Chính vì vậy, mình mong rằng trong thời gian tới nhà nước, các trường đầu tư nhiều hơn vào việc này”, Tùng chia sẻ.
Hiện chàng trai trẻ này vẫn chưa có quyết định apply vào một trường đại học cụ thể nào nhưng Tùng cho biết sẽ ưu tiên các trường khối khoa học kỹ thuật để theo đuổi niềm đam mê.
No comments:
Post a Comment